Người dùng Internet dễ trở nên ích kỷ

Một công trình nghiên cứu của Anh cho rằng người sử dụng Internet đang trở nên thiếu kiên nhẫn và có phần ích kỷ hơn khi họ lên mạng...

Tiến sĩ Jacob Nielsen, ông trùm nghiên cứu về hành vi sử dụng, cho rằng con người ta ngày càng thiếu kiên nhẫn khi vào mạng. Nielsen nói các trang tìm kiếm thông tin đang đóng vai trò thống lĩnh mạng. Thay vì truy cập vào các trang web một cách chậm rãi, nhiều người sử dụng chỉ muốn vào trang web thật nhanh, thực hiện xong mục đích và làm việc khác.

Đa số người sử dụng không quan tâm gì tới các thông tin quảng cáo được đưa ra để gây chú ý. Họ chỉ muốn vào trang thật nhanh và hoàn tất những ý muốn cụ thể nào đó.

Nielsen nói các con số thống kê cho thấy trong năm 1999 tỷ lệ người vào Internet làm những công việc họ muốn chỉ đạt 60% thì nay đã tăng lên tới 75%. Ông đã nêu ra những lý do. Đó là các trang Web được thiết kế tiện dụng hơn để mọi người dễ giao lưu và tìm kiếm thông tin hơn, có nghĩa là giờ đây khi người ta lên mạng thì họ biết họ muốn gì và làm thế nào.

Nielsen nói thêm là “Người sử dụng hiện nay thiếu kiên nhẫn hoặc thậm chí chẳng có chút kiên nhẫn nào”.

Vào năm 2004, khoảng 40% số người sử dụng Internet vào trang chủ và tiếp đó vào các trang trong, tức là chỉ có khoảng 60% số người dùng mạng dùng đường link (kết nối) trực tiếp vào những mục cụ thể nào họ muốn vào. Nielsen nói hiện nay, tức năm 2008, chỉ có khoảng 25% số người sử dụng mạng vàoc ác trang chủ mà thôi, và 75% đùng đường link trực tiếp. Ông cho rằng hiện nay các trang tìm kiếm (search engine) đã thống trị mạng Internet.

Thế nhưng điều đó không có nghĩa các trang tìm kiếm đã hoàn hảo, bởi đôi khi người sử dụng vào đó mà không tìm kiếm được kết quả mong muốn.

Thứ hạng search engines

Theo số liệu thống kê của ComScore cho biết:

- Người dùng Internet tìm kiếm thông qua Google, chiếm 58,6% thị phần của cả thị trường tìm kiếm.

- Đứng thứ hai vẫn là công cụ tìm kiếm Yahoo với 22,4%.

- Vị trí thứ ba là công cụ MSN của Microsoft với 9,8%.

- Ngoài ra, Ask.com (4,6%) và AOL của Time Warner (4,5%).

ComScore khuyến cáo rằng năm 2008, Google sẽ phải đối mặt với một đối thủ mới rất "khó chơi". Đó là công cụ tìm kiếm nguồn mở, Wikia Search cho phép người dùng tham gia lọc và xếp hạng các kết quả tìm kiếm.

Người dùng còn có thể theo dõi "đường đi nước bước" của từng kết quả tìm kiếm, vì sao nó lại được chọn, vì sao nó lại xuất hiện ở thứ hạng đó - một sự "minh bạch" mà những công cụ hiện hành như Google, Yahoo không đạt được.

Phần "ngầm" của Internet

Trên thực tế, những cỗ máy tìm kiếm chỉ cho bạn thấy một phần của toàn bộ những gì có trên Internet.

Các website sau đây có thể giúp bạn thâm nhập vào "thế giới ngầm" vốn thường không được các site lớn đưa vào danh mục website.

http://www.dogpile.com/

Dogpile - tổng hợp của 4 site tìm kiếm lớn nhất Internet (Google, MSN, Yahoo, Ask). Nếu bạn vô tình lạc vào một website nào đó và không bookmark, nhưng không thể quay lại trang đó khi tìm bằng Dogpile, chắc chắn site đó nằm ở "vùng tối" của thế giới ảo.

http://clusty.com/

Clusty - site tìm kiếm này trả về danh sách kết quả tìm kiếm khá rối rắm, ngược lại với các "ông lớn" thường cố gắng khiến danh sách đó càng đơn giản càng tốt. Tuy nhiên, Clusty có lợi thế nhất định do site không tự động lọc bỏ các kết quả bị máy tính cho là "dư thừa". Nếu có đủ thời gian và kiên nhẫn, khả năng lọc ra được những website "giấu mặt" là khá lớn.

http://www.loc.gov/about

USA Library of Congress - site chuyên về tìm các tài liệu học thuật - cũng thường được site tìm kiếm chính thống bỏ qua do mang tính chuyên môn cao.

http://www.nelsonsearch.org/

Nelson Search - website chuyên về tìm kiếm tin tức. Tất cả các sự kiện, tin tức được đưa tin trên web đều có thể tìm ra ở đây - một phiên bản "thô" chưa được lọc tin rác của Google News.

http://www.intute.ac.uk/

Inute - công việc lên danh sách và tìm kiếm của Google được thực hiện hoàn toàn tự động nhờ các phần mềm gọi là bot. Người sử dụng dịch vụ thường xuyên cảm thấy chán ngán do bot không có khả năng lọc hàng núi "rác" vô nghĩa khỏi danh mục kết quả. Intute là bộ máy tìm kiếm duy nhất sử dụng danh sách website hoàn toàn do sức người lập nên, nhằm đảm bảo rằng các website vô nghĩa không bao giờ lọt vào danh sách kết quả tìm kiếm.

http://www.altavista.com

AltaVista - AltaVista là cỗ máy tìm kiếm nổi tiếng nhất trước khi Google soán ngôi thống trị như ngày nay. Mặc dù "chìm nghỉm" dưới bóng các ông lớn, bộ máy tìm kiếm này vẫn hoạt động tốt và trả về kết quả tương tự với Clusty khi sử dụng.

http://www.archive.org/index.php

Wayback Machine - một cỗ máy thời gian thực sự của thế giới web. Máy chủ của bộ máy tìm kiếm này lưu giữ toàn bộ các site đã có mặt trên Internet từ trước đến nay, và bạn có thể tìm thấy các site hiện giờ hoàn toàn không còn tồn tại bằng Wayback Machine. Vấn đề duy nhất khi sử dụng là bạn phải đưa ra được đường dẫn chính xác của website cần tìm!

http://www.bloglines.com

Bloglines (http://www.bloglines.com/) - Bộ máy tìm kiếm chuyên về blog. Các blog cá nhân có số người truy cập khá ít, và do đó thường bị các ông lớn nhét xuống dưới cùng danh sách kết quả tìm kiếm đôi khi lên đến vài chục ngàn kết quả. Một danh sách chỉ toàn blog hẳn sẽ dễ dàng hơn nhiều...

Chú ý rằng phần lớn cái gọi là "thế giới ngầm của web" thường là các site có chất lượng quá thấp đến mức bị bot bỏ qua, các trang chủ cá nhân hoặc hồ sơ lưu của các forum. Thế giới này cũng bao gồm các thông tin bị số đông bỏ qua như thông tin học thuật - cần có chuyên môn nhất định để hiểu và sử dụng, và còn nhiều loại khác...

Bản quyền

Bản quyền vốn vẫn được coi là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ lợi nhuận cho mô hình kinh doanh các sản phẩm có khả năng sao chép. Nhưng trong thế giới Internet, mọi chuyện giờ đây đang thay đổi.

Một khái niệm lỗi thời?

Tại hội nghị về chính sách phân phối video trên Internet, tổ chức tại Washington (Mỹ) ngày 20/3 vừa qua, GS. Faulhaber, Đại học Pennsylvania đã mạnh mẽ tuyên bố mạnh mẽ: bản quyền là một khái niệm đã chết.

“Cho đến giờ thì bản quyền vẫn là vấn đề lớn trong lĩnh vực pháp lý. Nhưng trong lĩnh vực kinh doanh, nếu bạn vẫn còn nói với người tiêu dùng về việc bảo vệ bản quyền thì thật là lỗi thời. Nếu như bạn có mô hình kinh doanh dựa trên bản quyền, hãy quên luôn nó đi”, ông phát biểu

Tại hội nghị này, nhiều nhà kinh tế đã cũng thống nhất quan điểm cho rằng, với việc kinh doanh nội dung trên Internet, các chủ sở hữu nội dung đang phải đối mặt với những thách thức họ chưa từng biết đến.

Theo GS. Faulhalber, “thế giới sao chép mở” (world of open piracy), được tạo ra với công nghệ số, sẽ phá hỏng việc tìm kiếm tìm kiếm động lực mà sự độc quyền trao cho những chủ sở hữu nội dung nhờ luật bản quyền.

“Ngành công nghiệp ghi âm hiện nay đã hiểu ra điều này. Mô hình iTunes* hiện nay có lẽ là cách tốt nhất họ có thể làm”, ông nói.

Các hãng phim sẽ gặp phải những khó khăn thậm chí còn hơn những công ty âm nhạc vì theo GS. Faulhalber, một vài phương thức kiếm tiền có thể áp dụng hiệu quả với âm nhạc như quảng cáo lại không thể áp dụng với những bộ phim dài.

Lập luận của GS. Faulhaber đang có cơ sở từ thực tế, khi mà trước đó không lâu, chính ông chủ hãng âm nhạc khổng lồ Warner Music đã phải đứng ra xin lỗi người tiêu dùng khi sử dụng bản quyền như một công cụ kiện cáo, từ chối đáp ứng nhu cầu thực tế của người nghe nhạc số.

Từ mã nguồn mở…

Trong khi những lời than phiền về vị thế độc quyền của hãng phần mềm Microsoft vẫn ngày càng nhiều, ít ai ngờ rằng Linux, hệ điều hành mã nguồn mở, lại đang thay đổi bộ mặt, hoặc ít nhất thay đổi quan niệm của giới làm phần mềm đến vậy.

Theo TheCounter.com - dịch vụ phân tích website của Công ty Jupitermedia - hiện khoảng 1/2 số máy chủ trên thế giới và 18% các trình duyệt đang sử dụng phần mềm mã mở.

Các hãng cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu như Google, Yahoo phát triển toàn bộ hạ tầng của họ dựa trên các nền tảng mã nguồn mở như LAMP (Linux, Apache, PHP, MySQL), Haadoop.

90% các công ty Internet mới thành lập sử dụng LAMP vì các nền tảng này vượt trội các phần mềm bản quyền trên phương diện chi phí, linh hoạt và tự do đổi mới sáng tạo. 80% trong số các website hàng đầu đang chạy trên các nền tảng mã nguồn mở.

Kho tri thức lớn nhất thế giới Wikipedia (với 10 triệu bài viết) hoạt động hoàn toàn trên nền tảng mã nguồn mở với phần mềm mediawiki trên nền tảng LAMP.

Bởi vậy, có thể nói nếu không có mã nguồn mở, Internet sẽ mãi mãi là một đứa trẻ chưa lớn. Trong một thế giới toàn phần mềm bản quyền, Internet sẽ chết.

Bởi vì phần mềm mã nguồn mở là miễn phí, một lập trình viên tài năng có thể ngồi xuống và bắt đầu phát triển ngay một website của mình chỉ với 2.000 USD, thay vì việc phải chạy hàng năm trời để kiếm một nhà đầu tư hào phóng chi cho anh ta vài trăm ngàn USD để mua phần mềm bản quyền.

Sergey Brin và Larry Page bắt đầu sự nghiệp của mình với mã nguồn mở và chỗ làm việc là một gara ô tô - họ đã tạo dựng lên Google - nhà cung cấp dịch vụ số 1 Internet, công ty duy nhất khiến đại đế chế phần mềm bản quyền Micrsoft cũng phải run sợ.

Google và mã nguồn mở là tương lai, Micsoft và phần mềm bản quyền là quá khứ - lịch sử đã lặp lại, Google đang đe dọa Microsoft như ngày nào chính Microsoft đã từng đe dọa IBM.

Mã nguồn mở không chỉ là miễn phí, nó còn là tự do: tự do sáng tạo, tự do chia sẻ tri thức, tự do đóng góp, tự do quyết định hướng đi của mình.

Một người làm Internet, thay vì việc phải lo lắng xem nền tảng công nghệ của họ sẽ bị nhà độc quyền lớn nhất lái đi theo hướng nào, sẽ cùng cộng đồng mã nguồn mở quyết định hướng đi công nghệ của họ.

Họ cũng không còn phải lo ngại việc phải đối diện với các vụ kiện cáo bản quyền khi sử dụng mã nguồn của người khác.

Hòa mình vào thế giới mã nguồn mở, bạn có thể đứng trên vai người khổng lồ, sử dụng 99% mã nguồn của người khác, bổ sung thêm 1% sáng tạo của mình để tạo ra giá trị gấp 100 lần so với việc phải tự làm tất cả.

Người được lợi cuối cùng chính là người dùng Internet. 100% số website trong Top 20 website trên thế giới đang cung cấp miễn phí dịch vụ của họ cho người sử dụng.

... đến nội dung mở

Dẫu sao, mà nguồn mở mặt nào đó vẫn được coi là sáng tạo riêng biệt của giới công nghệ. Ít ai ngờ nó cũng đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực phân phối nội dung

Phong trào sử dụng nguồn tư liệu giáo dục mở bắt đầu từ cuối những năm 1990, có một phần do tác động của phong trào “phần mềm mã mở”.

Năm 2001, Viện Công nghệ Massachussetts (MIT) đã trở thành người tiên phong cung cấp tài liệu miễn phí về các khoá học trên Internet. Dự án chương trình học liệu mở (OpenCourseWare) của trường hiện cung cấp các bài giảng, bài thi và nhiều tài liệu khác được lấy từ trên 1.800 khoá học trong chương trình giảng dạy của trường.

Hiện đã có khoảng 40 triệu người từ hầu hết các nước đã truy cập tài liệu của trường, trung bình mỗi tháng có khoảng 1 triệu người truy cập. Gần 49% lượng người truy cập là đối tượng tự học, trên 35% sinh viên và 16% các nhà giáo dục.

Cũng không nhiều người trong số 100 triệu người truy cập hàng tháng vào Wikipedia biết rằng kho tri thức vĩ đại này được xây dựng trên nguyên tắc nội dung mở - cho phép người sử dụng tự do sao chép, sửa đổi, trích dẫn, đóng góp vào nội dung với mục đích thương mại hoặc phi thương mại.

Đi ngược lại với nguyên tắc bản quyền nội dung truyền thống với việc mỗi khi bạn muốn bổ sung, sao chép, trích dẫn đều phải xin phép và được sự đồng ý của tác giả, nội dung mở đã tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn chuyên gia cùng đóng góp, hàng triệu người cùng xem xét và sửa đổi kho tri thức này.

Cho tới nay, Wikipedia với nguyên tắc nội dung mở đã làm được điều mà đế chế tri thức Britanica không làm được, đế chế tài chính Micrsoft không làm được: 10 triệu bài viết, được bổ sung, cập nhật, chỉnh sửa, đi sâu vào các lĩnh vực xã hội, kinh tế, văn hóa, công nghệ...

Hãy thử tìm cụm từ “The long tails” – một khái niệm kinh điển cho người làm Internet, bạn không thể tìm thấy nó trong bách khoa toàn thư Encatar của Microsoft, nhưng trong Wikipedia, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy lời giải thích ngắn gọn, dễ hiểu, cũng như các đường link tham khảo cho khái niệm này.

Điều mà bản quyền, chuyên gia, và tiền bạc của Microsoft không thể làm được, thì Wikipedia cùng với cộng đồng và triết lý nội dung mở đã làm được.

Trên Internet, nội dung mở là động lực, bản quyền là rào cản. Thứ đã từng là động lực phát triển của xã hội, nay trở thành trở lực ngăn trở tiến bộ. Một điều thú vị là triết lý nội dung mở tương đồng một cách kỳ lại với triết lý về một xã hội mơ ước: “Đóng góp nội dung theo năng lực, tiêu dùng nội dung theo nhu cầu”.

Những thói quen bị giết chết vì Internet

Trong mười lăm năm qua kể từ khi thâm nhập vào cuộc sống hàng triệu người trên toàn thế giới, Internet đã mang đến những thay đổi khổng lồ trong cuộc sống cả tích cực và tiêu cực.

Dưới đây là trích lược danh sách 50 thứ mà tờ Telegraph (Anh) cho rằng đang dần biến mất bởi sự xâm nhập của mạng , từ các sản phẩm cho tới mô hình kinh doanh, từ những kinh nghiệm cho đến các thói quen trong cuộc sống con người. Danh sách này cũng được xen thêm một số thứ phải chịu tác động của những cải tiến hệ thống mạng hiện đại khác, đặc biệt là điện thoại di động và hệ thống GPS.

1) Nghệ thuật nêu sự bất đồng ý kiến một cách lịch sự
Mặc dù những vụ cãi nhau ngớ ngẩn trên YouTube có thể không phải là điển hình thì chắc chắn Internet đã mài sắc giọng điệu của những cuộc tranh luận. Những phần náo động nhất của thể giới blog dường như không thể chấp nhận ý kiến được tổ chức khác nhau, tất cả các đối thủ đều phải có “chương trình nghị sự” của mình.

2) Nỗi sợ bạn là người duy nhất thờ ơ trước cái chết của một người nổi tiếng
Twitter đã trở thành một nơi trao đổi những chuyện đùa cợt về những người nổi tiếng đã mất. Thật vô vị nhưng đó lại là một liều thuốc giải khuây cho những người hâm mộ đang sụt sùi thương tiếc cho thần tượng của mình.

5) Đúng giờ
Trước khi có điện thoại di động, người ta buộc phải giữ các cuộc hẹn và vội vã tới quán rượu đúng giờ. Nhưng gửi tin nhắn báo rằng bạn sẽ đến muộn năm phút đã trở thành một trong những hành động khiếm nhã phổ biến của thời đại được kết nối.

7) Phim đen tràn ngập
Sự tồn tại khắp nơi của các sản phẩm khiêu dâm trên mạng đã đặt dấu chấm hết cho một trong những quyền đáng sợ nhất của các teen boy-mua những tạp chí đen. Tại sao lại phải run rẩy xếp hàng để mua phim đen khi mà bạn có thể download hàng núi những thứ rác rưởi ngay trên giường ngủ.

Xu hướng này cũng là một mối đe dọa trong tương lai khi những văn hóa phẩm đồi trụy này len lỏi đi vào từng ngõ ngách các thị trấn và làng quê

8) Danh bạ điện thoại
Bạn có thể tìm cuốn Fly Fishing của J.R Hartley trên Amazon.

10) Đồng hồ đeo tay
Sờ trong túi quần và lôi ra một chiếc di động để xem giờ có thể không sang trọng như liếc nhìn một cái đồng hồ đeo tay nhưng lại tiết kiệm tiền bạc: Bạn chỉ phải mua một thay vì hai.

11) Cửa hàng băng đĩa nhạc
Trong một thế giới nơi mà mọi người không muốn trả bất cứ thứ gì để nghe nhạc thì việc trả tiền cho 12 bài hát trong một đĩa plastic mỏng dính không còn là kiểu kinh doanh hợp thời nữa.

12) Giấy/bút viết thư
Email vừa nhanh hơn, rẻ hơn và thuận tiện hơn; đồng thời nhận một bức thư giấy từ một người bạn cũng trở thành một thứ vui hiếm hoi, thậm chí là hoài cổ. Kết quả, những lời chào tạm biệt trân trọng như “Yours faithfully” (trang trọng, tình cảm, thường ký dưới thư tay) đang được thay bằng "Best" và "Thanks" (đơn giản, xã giao hơn, hay kí dưới thư điện tử).

13) Trí nhớ
Khi hầu như bất cứ sự kiện nào, cho dù mờ mịt đến đâu đều có thể tìm thấy trong vài giây thông qua Google và Wikipedia, thì người ta càng ít tìm tới những nơi lưu trữ thông in. Điều quan trọng là làm cách nào bạn sử dụng nó – thời đại Internet là phần thưởng cho sự sáng tạo.

14) Hạn chót
Lần cuối cùng bạn dành một tiếng đồng hồ để suy ngẫm về thế giới bên ngoài hay đọc lại một quyển sách là khi nào? Sức hấp dẫn của Internet quả là mãnh liệt và càng ngày càng khó cưỡng lại.

15) An-bum ảnh và các slide show
Facebook, Flickr và những trang in ấn như Snapfish là nơi chúng ta chia sẻ những tấm ảnh. Đầu năm nay, Kodak thông báo họ không tiếp tục sản xuất phim slide Kodachrome bởi vì thiếu nhu cầu thị trường. (Slide Show là những nhóm ảnh liên quan tới một chủ đề nào đó được tập hợp cùng với nhau để bạn có thể dễ dàng xem lướt qua chúng và nhìn thấy những câu chuyện có liên quan tới chúng.)

16) Những trò bịp bợm và các âm mưu đen tối
Internet thường bị đổ lỗi cho những hành động lập dị nhưng nó đã chứng tỏ mình là công cụ hữu hiệu hơn nhiều trong việc bóc trần các âm mưu hơn là duy trì chúng.

17) Xem tivi cùng nhau
Truyền hình theo yêu cầu, từ iplayer ở Anh cho tới Hulu ở Mỹ đều cho phép những người thân và đồng nghiệp xem cùng những chương trình ở những thời điểm khác nhau, đồng thời làm suy yếu những gì đã từng là một trong những yêu cầu văn hóa hấp dẫn nhất của truyền thông- kinh nghiệm chia sẻ. Nếu truyền hình sắp xếp theo lịch không tồn tại thì nó sẽ hạn chế các chương trình thể thao và tường thuật trực tiếp.

18) Công việc tham khảo hành chính
Chúng ta vẫn cần những thông tin đáng tin cậy những nhìn chung không cần phải trả tiền nữa.

19) Ca-ta-lô cải cách
Trái ngược với những đồ gia dụng được cải tiến, tạp chí Innovations Cataloguera đời năm 2003 luôn là một thứ thú vị đáng để đọc.

20) Các mẫu yêu cầu ở trang sau các cuốn sách
Dịch vụ “Khách hàng mua quyển này cũng mua …” của Amazon dường như là trang gần gũi nhất.

21) Thông tin về kết quả thể thao bị chậm trễ
Lần cuối cùng bạn mua một tờ báo để xem ai thắng trong trận đấu hơn là xem các bình luận và phân tích là khi nào? Không cần thiết phải im lặng mà phục lăn James Alexander Gordon trên đường về nhà sau trận đấu khi mà mọi người đều có iPhone trên xe ô-tô.

22) Bản quyền bắt buộc
Các công ty băng đĩa, các hãng phim và các cơ quan báo chí đang phản công nhưng liệu làn sóng vi phạm bản quyền có thể bị đánh bại?

24) Theo dõi
Các trang web đáng lẽ có thể giúp mở rộng việc thao dõi trên thế giới những Internet đã đưa ra nhiều cách hữu hiệu hơn để tổ chức những mối quan hệ tình dục giữa những người lạ.

25) Họ chưa chết à? Họ không phải là gay ư?
Wikipedia cho phép chúng ta xác nhận hay bác bỏ bất kỳ tin đồn về người nổi tiếng nào đó ngay lập tức. Chỉ ở các lễ hội không có bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ Wi-Fi tồn tại thì những kẻ khờ mới tin rằng David Hasslehoff (diễn viên kiêm ca sỹ người Mỹ) đã qua đời.

26) Mù tịt về tin tức sau ngày lễ
Có một cách tốt hiện nay là bạn có thể kiểm tra các dòng tít trên các báo ít nhất một lần khi bạn đi nghỉ.

27) Không cần học thuộc lòng số điện thoại
Sau khi đánh những con số vào trong sổ liên lạc, bạn sẽ không bao giờ phải nhìn lại chúng lần nữa

28) Tôn trọng bác sỹ và những nghề nghiệp khác
Sự gia tăng nhanh chóng của các trang web về sức khỏe đã hạ bệ vị trí của bác sỹ gia đình, những người mà chẩn đoán của họ bây giờ đang bị thử thách bởi những bệnh nhân được trang bị những thông tin được in ra từ Internet.

29) Sự bí ẩn của ngoại ngữ
Các trang như Babelfish đưa ra những bản dịch đủ tốt ngay tức thời hàng chục thứ tiếng những lại giết đi vẻ đẹp và cái hồn của những ngôn ngữ ấy.

30) Kiến thức địa lý
Với hệ thống GPS trải rộng từ ô tô đến smartphone, việc biết đường đi từ A đến B chẳng đòi hỏi kỹ năng gì khó.

31) Sự riêng tư
Dân chúng có thể công kích chính phủ vì mở rộng sự giám sát cá nhân nhưng những những người tham gia các trang mạng xã hội có thể làm cho thông tin về chính mình có sẵn nhiều hơn là Big Brother (show truyền hình thực tế của Anh quay bí mật những nhóm người sống cùng nhau trong một gia đình lớn và cách ly với thế giới bên ngoài)

34) Truyền thông chủ đạo
Hai tờ báo in Seattle Post-Intelligencer và Rocky Mountain News của Mỹ bị đóng cửa, tờ Observer của Anh cũng nối gót theo sau. Tin tức miễn phí và sự di cư của quảng cáo vào mạng đang đe dọa mô hình kinh doanh cơ bản của hầu như tất cả mọi tổ chức truyền thông.

35) Sự tập trung
Những gì đang đồng hành với Gmail, Twitter, Facebook và Google News, đó là một sự kỳ diệu mà bất kỳ ai cũng phải sử dụng đến trong công việc của mình. Một xu hướng mới đang lên với sự tham gia của trang web XKCD.com, một sự pha trộn tuyệt vời giữa các câu đố, ẩn dụ, nghệ thuật độc đáo,…

37) Tạo ra một người mới
Làm thế nào bạn có thể mạo danh một người mới ở trường đại học khi mà Facebook gắn đầy những bức ảnh về con người cũ của bạn!

38) Viktor Yanukovych
Cuộc cách mạng cam ở Ucraina được một nhóm sinh viên và các nhà hoạt động trẻ lợi dụng sức mạnh của mạng để phát động cuộc chống lại chế độ cũ và phế truất Viktor Yushchenko.

39) Bảo hiểm
Các quảng cáo của họ có thể hấp dẫn nhưng các trang web so sánh gói bảo hiểm đã giết chết một trong những công việc vặt hàng năm buồn tẻ nhất.

40) Những nhà họa sỹ chưa được phát hiện
Gửi các bức tranh lên ART và Flickr hay những bài thơ do mình sáng tác chưa bao giờ dễ hơn lúc này.

41) Sự hữu ích của những chú thích đầu những cuốn nhật ký
Nếu còn có ai lần giở những trang nhật ký viết tay của mình để xem múi thời gian ở Lisbon là bao nhiêu hay một ga-lông là bao nhiêu lít thì chúng tôi không biết.

42) Sự hồi hộp về cuộc gặp gỡ
Bạn đã dành năm năm qua để làm quen với nhau trên Facebook. Vì thế việc gặp gỡ với mối tình đầu của mình không bị chấn động bởi cảm xúc như đáng ra nó có.

43) Chơi bài
Vì nhiều người tốn thời gian bằng việc vào các trang web chơi game online như Ditto Minesweeper

45) Thẻ gái gọi/rà xe sát lề đường tìm gái
Sex có thể được tiếp thị rẻ, an toàn và hiệu quả hơn trên mạng so với ở góc đường.

46) Các bộ phim được công chiếu
Các công ty đang ngày càng trở nên khắt khe hơn với biện pháp chống vi phạm bản quyền của mình. Nhưng cuối cùng thì họ cũng bắt đầu đánh giá việc "buộc người tiêu dùng Anh phải đợi đến sáu tháng mới kiếm lãi" không phải là một kế hoạch kinh doanh thông minh.

47) Lời chú thích ở cuối trang
Lời chú thích ở cuối trang là không cần thiết bởi sự có mặt của đường link mặc dù Wikipedia đang “đánh nhau” với một đạo quân hậu tập

49) Tờ báo của các fan
Blog và những trang dành cho người hâm mộ đã đem lại nhiều tự do và sự tương tác trong cộng đồng lớn hơn so với các báo in dành cho fan. Hơn nữa chúng cũng có lượng độc giả lớn hơn nhiều.

50) Giờ nghỉ ăn trưa
Hôm nay bạn đã rời khỏi ghế làm việc hay chưa? Hay là vừa nhấm nháp một chiếc bánh sandwich trong khi gửi một email cá nhân và kiểm tra giá nghỉ một tuần ở Istanbul.

Trai Việt - Gái Việt

Xin được giới thiệu cùng độc giả kết quả một số khảo sát mới nhất của báo Thèo Lẻo - cơ quan ngôn luận của Hội Ngồi lê đôi mách.

Phần khảo sát đầu tiên xin được dành cho Trai Việt - Index với vấn đề xoay quanh chỉ số ga-lăng (đối xử lịch sự với phụ nữ) của đàn ông xứ ta.

Đầu tiên là cuộc khảo sát về thói quen “Nhường chỗ cho phụ nữ ở nơi công cộng”.

Nhìn chung thì tỉ lệ đàn ông nhường ghế cho phụ nữ ở những nơi như xe buýt, phòng khám, phòng công chứng… xấp xỉ với tỉ lệ người châu Phi xài lò sưởi tại quê hương mình vào mùa hè! Đi sâu vào kết quả khảo sát, chúng tôi nhận thấy thêm: Với những phụ nữ có số lượng răng trong miệng còn dưới 10 chiếc, phụ nữ có trọng lượng cơ thể mấp mé 1 tạ, phụ nữ vác bụng bầu… thì khả năng được nhường ghế ngồi ở những nơi nói trên thấp hơn hẳn những phụ nữ có thân hình đồng hồ cát và từ 18 - 25 tuổi!

Trong cuộc khảo sát thứ hai về “Nghệ thuật ứng xử khi đi thang máy” chúng tôi nhận thấy, dường như sống ở nơi càng cao - chẳng hạn như cao ốc văn phòng… áp suất không khí có ảnh hưởng rõ rệt đến não bộ của nhiều đàn ông - đặc biệt là các vùng não về ý thức ga-lăng với phụ nữ - nên nhiều anh có những hành vi cư xử gần giống với chứng lãnh cảm của phụ nữ mới sinh con, tức là… đơ đơ trong những tình huống chị em cần sự hỗ trợ…

Trong 100 đối tượng với câu hỏi: “Anh sẽ làm gì khi thang máy quá tải, mà người vừa bước vào là một phụ nữ?” thì có gần 90% câu trả lời là: “Thì đứng đâu yên đó chứ làm gì, vậy cũng hỏi!”. Điều đó cho thấy đa phần các phản ảnh của phụ nữ làm việc ở các cao ốc văn phòng về tình trạng bị “ngược đãi tại thang máy” là chính xác. Theo các chị em này, việc được đàn ông nhường bước vào thang máy trước là hiếm hoi. Chưa kể là một số chị, trong nỗ lực cuối cùng để khỏi bị bỏ lại chờ chuyến sau, đã bị cửa thang máy kẹp một cách dã man vào một số phần mềm không tiện nêu ra đây vì lý do tế nhị, trong khi đó hầu hết đàn ông có mặt trong thang máy đều không có bất cứ động thái nào để giúp các chị!

Bổn báo chúng tôi cũng tranh thủ làm một điều tra mini sau cuộc họp chào mừng ngày 8-3 tại một công ty nọ. Chúng tôi đứng sau cánh cửa phòng họp và nhận thấy có 15/17 anh phăm phăm xô cửa bước ra mà không giữ cửa để chị em đi sau lãnh đủ cả cánh cửa “bụp” vào mặt. Xin phép được thống kê lại là: có 3 chị suýt xẹp mũi, 4 chị bị giập nhẹ vòng một, 3 chị bị sưng cùi chỏ vì đỡ cửa, và 6 chị bị tổn thương tâm hồn mức độ 2!

Cần nhắc lại với quý độc giả, theo khảo sát mới đây của tổ chức “Ba phần tư đàn ông là đàn bà, ngày càng có nhiều đàn ông VN đang có sự gia tăng nồng độ estrogen (nội tiết tố nữ) một cách khó hiểu. Trong các cuộc chen lấn có tính thời sự hiện nay như: chen lấn khi mua căn hộ The Vista, hay khi kẹt xe, giành xe đẩy trong siêu thị, tranh giành chỗ gửi xe… thì các anh tỏ ra nổi trội với biểu hiện kèn cựa sống mái, ăn thua đủ từng chút một, cay cú chắt mót bòn rút… còn hơn cả phụ nữ!

Chúng tôi cũng đã “cắm chốt” trên một số tuyến đường thường xảy ra các vụ ngã xe, tông xe để thực hiện khảo sát “Đàn ông làm gì khi có phụ nữ bị té xe?”. Theo đó, tỉ lệ đàn ông vừa chạy xe ngang qua vừa ngó lơ là 70%, 60% đàn ông có mặt gần hiện trường thì tỏ thái độ: “Coi bả tự bò dậy ra sao!” và “Đứng dòm coi bả chết chửa!”.Nhìn chung, phần đông các ông chọn cách ứng xử như khi tình cờ gặp mẹ vợ… cũ trong phòng đăng ký kết hôn với vợ mới!

Cũng theo kết quả nhân trắc học gần đây của Viện “Cứu vãn những giá trị truyền thống của đàn ông” thì so với thời… Thạch Sanh, chiều cao của đàn ông VN được cải thiện đáng kể, tuy nhiên chất lượng cơ tay, cơ bụng có sự nhão trầm trọng. Theo nghiên cứu của Viện trên thì nguyên nhân chính là do vào thời Thạch Sanh, các chàng trai thường xuyên thực hiện những nghĩa cửđẹp rất kỳ công với phụ nữ như chém chằn tinh, giết đại bàng, vào hang cứu công chúa... nên cơ bắp tay, cơ bụng rất phát triển.

Ngày nay, ngoại trừ các anh vào tập ở những phòng luyện thể hình, và có chơi thể thao, đa phần các anh còn lại chỉ phát triển cơ… ngón tay, tức là bấm bấm điện thoại, gõ gõ máy tính những lời có cánh, nói nhiều làm ít… Những việc giúp đỡ phụ nữ vừa giúp phát triển cơ tay, vừa tăng nam tính như dắt xe giùm, sửa xe, bưng bê vật nặng, gắp thức ăn trong bàn tiệc, che dù cho quý bà khi trời mưa… thì các anh thường chơi tình vờ, nên dẫn đến sự nhão hóa là tất yếu.

Tiếp theo cuộc khảo sát “Trai Việt-index” bổn báo xin chuyển đến quý độc giả cuộc khảo sát mới nhất về “Gái Việt-index”

Để phân tích về “ngôn hạnh” của thiếu nữ thời nay, Theo Lẻo báo đã đặt các trạm quan trắc mua tại một số quán cà phê, sinh tố, trà sữa… Kết quả ban đầu cho thấy, dường như có một sự đột biến trong việc phát triển thanh quản của chị em. Bằng chứng là, mức độ tiếng ồn trong một quán sinh tố có đông quý cô vào giờ cao điểm tương đương với tiếng ồn khi sắp cất cánh của máy bay hàng “sê-cơn-hen” đời thứ 20 mà hãng hàng không giá rẻ mới nhất mang tên “Rớt như chơi” vừa tậu được từ một vựa ve chai gần hãng Bô-ing!

Phỏng vấn 10 anh trai có mặt tại quán này, chúng tôi thử đưa ra 5 động từ thể hiện việc phát ngôn của chị em để các anh lựa chọn gồm: thì thào, rống, gầm, quàng quạc thì có 9 anh chọn động từ “quàng quạc”, còn 1 anh không có ý kiến vì bị… điếc đột xuất do tiếng ồn!

Liên quan đến vấn đề nói trên, một nghiên cứu khoa học đã được bí mật tiến hành trên một số phụ nữ đi hút mỡ bụng. Các nhà khoa học đã cho các vi rô bốt thế hệ mới nhất vào người các chị này để khảo sát toàn bộ mạch máu và hệ thần kinh. Kết quả cho thấy, số dây thần kinh mắc cỡ, e thẹn, yểu điệu thục nữ ở các chị chỉ còn lơ thơ vài cọng và đều trong tình trạng ngắc ngoải gần đứt. Xin lưu ý độc giả, cách đây vài chục năm số dây thần kinh dạng này ở thế hệ các mẹ xứ ta không phải tính bằng sợi mà bằng đơn vị chùm và bùi!

Sự tuyệt chủng đầy bí hiểm của các dây thần kinh nói trên đang là đề tài nghiên cứu cho các nhà khoa học nước trong và nước đục. Theo nguồn tin riêng của bổn báo, NASA-cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ- đang dự định đưa một phụ nữ VN lên vũ trụ, để khảo sát tình trạng của các dây thần kinh này trong trạng thái không trọng lượng, xem chúng biến đổi ra sao!

Theo thông tin mới nhất bị xì lỗ mọt từ “Hội liên hiệp đàn bà con gái nguyên chất” thì Hội này dự tính đệ trình ra Quốc hội dự thảo “Luật chống bạo hành trong tình yêu” sau khi có vài em gái sử dụng một số phương pháp vừa phản "phe-lay" vừa mang tính bạo lực để… tỏ tình! Các em này liên tục gây sức ép đối tượng bằng cách kéo băng biểu tình, giăng biểu ngữ, vác loa gào thét điếc tai: “Loa. . .loa. . .loa. . . Em yêu anh!” ngay giữa phố phường, tạo nên tình trạng hỗn loạn tại một số trường ĐH! Tiết lộ từ khoa tiết niệu bệnh viện B. cũng cho thấy, trong thời gian trên số nam SV đến khám vì bị tè dầm, tè són trong quần, mất kiểm soát tiểu tiện do căng thẳng thần kinh gia tăng một cách bất thường! Cũng từ nguồn tin rò rỉ nói trên mô hình “nhà tạm lánh” cho đàn ông bị tống… tỉnh tò sắp được mở gần các ký túc xá có nhiều nam Sv trú ngụ. Dù chưa chính thức đi vào hoạt động nhưng số nam SV đăng ký vào các nhà này đã lên đến con số hàng ngàn người!

Kết quả cuộc nghiên cứu “Em nào che mồm khi ngáp, khi cười?” do báo Theo Lẻo phối hợp cùng “Hiệp hội Nha chu Lòi sỉ” tiến hành trên 100 phụ nữ VN trong độ tuổi từ 18-38, cho thấy: hành vi không che mồm khi ngáp, ngoác miệng cười ha hả của nhiều chi em hoàn toàn phụ thuộc vào khí hậu và thời tiết ! Ở vùng nhiệt đới gió mùa, gần xích đạo, không khí nóng bức thì… thoát hơi là một phản ứng nhằm làm giảm nhiệt độ cơ thể? Điều này được chứng minh rõ khi cho một số chị em du lịch ở... Bắc cực hoặc Nam cực thì họ chỉ cười mím chi và che mồm cẩn thận khi ngáp vì sợ há mồm to sẽ bị không khí lạnh làm…ê răng hoặc viêm họng?

Để bảo đảm kết quả các nghiên cứu trên là chính xác, báo Chèo Lẻo tiếp tục thực hiện một nghiên cứu khác lần này là phối hợp cùng “Hiệp hội Ruồi muỗi thông minh quý phái”. Hiệp hội này đã thả 50 con ruồi được huấn luyện kỹ càng, chỉ bu vào miệng, không bu nơi khác… vào một loạt quán ăn vỉa hè trên đường X. Kết quả cho thấy: chỉ có 2 chú ruồi có thể bu vào miệng của 2 chị đang được điều trị bệnh lở mép, 48 chủ ruồi còn lại hoàn toàn thất bại vì tốc độ há miệng nhai, nói, phun, nhổ của các chị này tính ra còn nhanh hơn cả tốc độ… ánh sáng! Trong đó có 5 chú đã hy sinh dũng cảm trong nỗ lực cuối cùng-lao thẳng vào mồm 5 chị với hy vọng mong manh là bu được trong ít giây!

Ngoài ra, với sự tài trợ nhiệt thành của “CLB dừa xiêm bị ruồng rẫy” (do thường xuyên bị công an rượt!) bổn báo đã tiến hành cuộc khảo sát “Ai biết xài thùng rác?” tại ngã tư X-Y. Chúng tôi phát miễn phí 50 trái dừa xiêm ướp lạnh có cắm ống hút cho 50 chị. Kết quả: chỉ có 10 chị “Cám ơn”, 30 chị “Ủa”? với vẻ chưng hửng, 10 chị kia im re vọt xe đi mất. Phóng viên chúng tôi đã theo sát các chị này và phát hiện ra, sau khi nốc hết dừa, có đến 45 chị thẳng tay cho nó lăn lông lốc xuống mặt đường! Chỉ có 5 chị để vào giỏ xe, lát sau thảy vào… miệng cống!

Theo tin giờ chót từ “Hội ngôn ngữ đầu đường xó chợ”, thì Hội sắp mời một số chị em đã có công lao phát triển ngôn ngữ của Hội đến tập huấn chuyên đề “Duyên giang hồ trinh nữ!”. Một số ngữ cảnh điển hình sẽ được đem ra phân tích trong chuyên đề lần này như: Khi bị đề nghị không ném rác xuống đường, cau trả lời mẫu là: Có giỏi thì lấy mỏ gắp lên đi!”; hoặc khi lỡ bị xe quẹt thì chuẩn nhất là câu: “ Bị lòi tròng hả?” vv và vv…

--------------------------------

Sau cuộc khảo sát trên đây, chúng tôi xin nhường lại sự đánh giá cho các quý độc giả và bình chọn số điểm cho chỉ số Trai Việt - IndexGái Việt - Index và gửi kết quả dự đoán về toà soạn chúng tôi để tham dự nhương trình bộc thăm với nhiều phần quà thú vị như:

Nhận vé tham dự chương trình bốc thăm “Đánh bật hói ra khỏi đầu”, trúng thưởng hộp kem trị hói thế hệ mới nhất!

Quý độc giả tính nhanh nhất và có câu trả lời sớm nhất cho câu hỏi: “ Điều gì sẽ lòi ra sau khi tắm trắng?” sẽ được tặng ngay một phiếu ngâm bùn nguyên sinh ở hệ thống kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè!

NXB Văn Nghệ - Chuyên mục "Ngoài vùng lịch sự" - Tổng hợp đăng có chỉnh sửa

Ngoài vùng lịch sự

Thời bây giờ, tậu được con “môbi biết đi” xem như mình đã thò một giò vào thế giới "kỹ thuật số" hiện đại, tự dưng thành văn minh ra phết, nên chỉ có "thằng" nào "hâm hấp cám lợn" mới không nuôi "dế"!

Thế nhưng văn minh chưa chắc đi cùng văn hóa, lắm anh chí thú chăn nuôi "dế" thành ra quẳng bố nó cái lịch sự văn hóa tối thiểu vào sọt rác, chỉ biết mỗi "ta và môbi", trở thành trò cười cho cả thiên hạ? "Điên" nhất trong các trò linh tinh trên "dế" là khoản "nhạc chuông" (Gọi là nhạc, nhưng bây giờ ai mà xài cái gì có chút giai điệu thì cứ gọi là "củ chuối", có khi nguyên cả buồng chuối cũng nên).

Thành ra các mạng di động đua nhau sáng tạo ra lắm kiểu nhạc chuông
"độc chính hãng". Mỗi anh làm tiếp thị rất khoái cài đặt nhạc chuông cho mỗi khách hàng ruột là một kiểu "dị" khác nhau, khi thì "Má ơi có anh hàng xóm gọi nề!", hoặc "Anh Chà ơi, có người gọi điện!", rồi còi báo động, tiếng thằn lằn rượt nhau… Vô phúc hôm nào anh nọ “người di động, điện thoại cố định” thì cả phòng được dịp nghe réo điếc đặc cả tai?

Có anh nọ đang bàn việc với đối tác ở quán cà phê thì bỗng dưng nghe
“tiếng nước dội… cầu” ầm ầm gần bên cứ như đang ngồi "hành sự" trong toa- lét, hãi hùng hơn là âm thanh mất vệ sinh đó phát ra từ em gái thơm tho bên kia! Hay trong một đám ma, các sư thầy đang chăm chú nhắm mắt gõ mõ tụng kinh thì bỗng dưng có tiếng the thé gào lên từ "túi quần" một anh bụng phệ đang đứng thắp hương: “Im lặng, để đại ca nghe điện thoại coi!”, làm các thầy hoang mang cực độ…

Hoặc giả anh nào đấy đang “diễn” hoạt cảnh "Anh muốn sống trên em trọn đời..." để vuốt giận vợ mà điện thoại lại eo éo sát bên
"Anh ơi, mấy con gà nó gọi anh kìa ..." thì chết chắc với "gấu mẹ" !?

Chỉ riêng cái khoản "Alô, tôi nghe!" cũng lắm trò nhộn ra phết? Không khí phòng họp đang rất căng thẳng, tới đoạn "Xin mời các anh chị cho ý kiến" thì bỗng dưng một giọng rè rè cất lên:
"Tao nè, thằng mọi kia! Hôm qua mày đi với con ngựa nào?" - cứ như phim hài !?

Có khi "Alô" cho một người quen thì đầu dây bên kia chả thấy ừ hử gì, chỉ nghe mỗi tiếng nhai sòng sọc, chem chép cứ như có cả
cái chuồng lợn bên tai. "Alô" khản cả cổ thì mới nghe tiếng nói nghẽn nghẹt khó khăn thoát ra từ một cái mồm đầy thức ăn: "T. đây! ". Trả lời xong thì cụt hứng vì lại phải ngóng T. nuốt đánh "ực" một phát, "ợ" rồn rột, cười khùng khục với người bên cạnh đang cùng dự tiệc, rồi mới: "Gì đấy?" với mình - rõ chán !!!

Không hiếm người thoải mái "Alô" trong phòng vệ sinh, và rất
khoan khoái thông báo cho người nói chuyện với mình về tình trạng hiện tại: "H. hả, tớ đang... róc rách một tí, có gì hả? ". Với đà này, khi nhân loại phát minh ra thế hệ mô di động truyền cả mùi ngay tại "hiện trường" thì chết dở cái lỗ mũi khối người gọi điện !?

Chuyện “giao lưu” vì nhầm số trên "dế" cũng hài chẳng kém. Có anh vừa sáng sớm đã bị một bà "alô" dựng dậy để chửi cả tràng vì cái tội không giao báo đúng giờ. Nói "Bà nhầm số rồi!" thì chả được xin lỗi mà bà nọ còn "khuyến mãi" thêm: "Đồ vô duyên!"

Oan nghiệt nhất là những cuộc gọi lúc 2 - 3 giờ sáng, mắt nhắm mắt mở bấm "nhận" thì đầu máy bên kia một giọng rất láo: "Thằng nào đấy?", mình vừa nói "Nhầm máy... " thì thằng nọ "Mẹ khỉ nhà nó!" vào tai mình một phát rồi cúp máy!

Nói về "sở thích cá nhân" của người xài "dế" thì rất… lung linh! Ở cơ quan kia có cô nàng cực thích cho con "quí tộc nhạc số" của mình gào thét rốc riếc dã man trong WC
để lấy… cảm hứng cho việc “ấy”. Nhạc ồn ào vậy, với cô thì hẳn nhiên là thông thoáng rồi, nhưng với những người khác đang lâm vào "ngõ cụt" thì cực kỳ… mất tập trung?
Khu tập thể nọ lại có một em gái, mỗi lần "alô" cho bồ tèo thì nhất nhất phải tót lên ban-công vừa
"phi ngựa" vừa trò chuyện. Em thì xinh, lại hay "hồn nhiên" chơi váy ngắn, thành thử các anh bên dưới tha hồ rửa mắt. Của đáng tội, em bày tỏ tình yêu hơi bị nồng nhiệt, lúc thì la làng la xóm như heo bị chọc tiết, lúc thì bô bô như cái loa phóng thanh đầu ngõ? Thành thử diễn biến cuộc tình của em ra sao các cụ hưu trí gần đó đều có thể tóm lược vanh vách…

Lại có chị đứng giữa cả dây xếp hàng chờ tính tiền trong siêu thị mà vẫn xoen xoét "alô"
tuyên truyền "sức khoẻ sinh sản", cứ "trứng già", "trứng non", "nghẹt vòi", "hở vòi"… hàng chục phút trong sự khó chịu của mọi người…

Đặc biệt, khi "dế" vào hội trường lớn trong các buổi
báo cáo thời sự, lớp tại chức… thì cứ gọi là vui như chợ chồm hổm: Mọi người thi nhau đưa "gia súc gia cầm", các thứ "quà quê", bán vào tai mọi người: Góc ngoài chó ăng ẳng, góc trong gà cục tác, xó trên mèo gào váng, xó dưới lợn eng éc, đầu này "Bánh giò bánh chưng đây" đầu nọ thì "Ve chai đồng nát sắt vụn bán không...". Thi thoảng lại điểm xuyết thêm tiếng người gào khóc thê thảm hay cười sằng sặc như lên cơn điên… Trong những dịp thế này, "dế" trở thành công cụ để các anh rách việc "giao lưu văn hóa".

Mặc cho giảng viên sùi bọt mép "tụng" ở trên, các anh ở dưới tha hồ
khoe từ "hàng cấm" (hình ảnh, đoạn phim mát mẻ trong máy) cho tới "dế" xịn, sôi nổi còn hơn cả thảo luận tổ?

Cứ tưởng chỉ có học viên là "ô-la" xô bồ, nhưng cũng có
thầy đang giảng bài vẫn "alô" tỉnh như ruồi trước mặt học viên, đôi khi đến dăm bảy phút, vì trước đó đã vứt một câu "Xin lỗi" chiếu lệ cho cả lớp rồi! Chuyện văn hóa "dế" còn dài, chỉ xin được mở ngoặc một cái: Nuôi "dế" nhưng cũng phải dạy "dế", đừng vì muốn chứng tỏ "dế" mình là nhất, mình là "của lạ" mà tự biến mình thành người thừa thãi hiện đại mà. . . khan hiếm văn hóa?

Theo NXB Văn nghệ - Đăng có chỉnh sửa

CHIA SẺ HAY KINH DOANH

Trong lĩnh vực tâm bệnh học, có những vấn đề đã và đang là một thách thức cho những nhà nghiên cứu - Hội chứng tự kỷ ( Autism spectrum Disorder ) là một trong những thử thách đó. Tại sao nó là một thử thách ? Vì cho đến nay dù đã có hàng trăm công trình nghiên cứu, người ta vẫn không tìm ra cơ chế gây ra hội chứng này nơi trẻ nhỏ vì hàng chục câu hỏi tại sao và tại sao chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Tại sao tỷ lệ trẻ trai mắc bệnh lại nhiều hơn trẻ gái, tại sao đa phần trẻ mắc bệnh lại là con của những người trí thức? tại sao trẻ này có biểu hiện như thế này, mà trẻ kia lại biểu hiện cách khác ? tại sao lại có hàng chục phương pháp trị liệu, mà phương pháp nào cũng có ít nhiều tác dụng, nhưng chưa có một phương pháp nào hoàn toàn thuyết phục ? Tại sao đây là một chứng bệnh không phải là hiếm hoi với tỷ lệ mắc phải khá cao, nhưng lại có nhiều bác sĩ, nhà giáo dục lại không hề biết đến, hay nguy hiểm hơn là biết một cách sai lệch !và cuối cùng: Tại sao con tôi lại mắc bệnh trong khi trẻ sinh ra bình thường và chúng tôi là cha mẹ, đều khỏe mạnh, trẻ trung ?

Tuy nhiên, dù muốn dù không Tự Kỷ vẫn luôn luôn và sẽ mãi mãi là niềm đau của những bậc cha mẹ có con trong tình trạng này, nếu không có được sự hỗ trợ và can thiệp của cộng đồng. Nhưng, cái khó khăn ở đây không phải là từ đưá trẻ, mà chính là từ nhận thức của bố mẹ - Thuyết phục để bố mẹ chấp nhận cho con mình là trẻ tự kỷ đã là một điều khá khó khăn, nhưng thuyết phục để bố mẹ hiểu rằng có những phương pháp vô ích hoặc quá tốn kém so với hiệu quả mà nó đem lại cho đưá trẻ lại càng khó khăn hơn !

Trước đây, điều làm cho các bậc cha mẹ hoảng loạn nhất là câu nói : Hội chứng này không chữa được ! Và nếu có chữa thì cũng không biết kết quả sẽ như thế nào !!! Vì thế cho nên, khi nghe tin ở đâu có thể chữa cho con họ, với những bằng chứng khá thuyết phục là lập tức, họ phải tìm đến và sẽ có thể bị mê hoặc bởi những lời lẽ có cánh, nhửng phương pháp màu mè. Với lập luận là cái gì càng đắt thì càng có giá trị, họ sẽ trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ lạm dụng, mà không biết rằng, họ đã phải trả một giá quá đắt. Nhưng cái giá đắt hơn nữa, là sau một thời gian thực hành, sự tiến bộ chậm chạp của con họ sẽ làm cho họ nản chí, buông trôi để rồi không còn sự tỉnh táo đi tìm hay học hỏi những phương pháp hiệu quả mà đơn giản hơn rất nhiều.

Với sự phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin, hiện nay điều khó khăn cho những cha mẹ có con tự kỷ, không còn là sự thiếu thông tin, mà đó lại là sự tiếp nhận quá nhiều nguồn thông tin khác nhau, khiến cho họ dường như là lạc vào mê hồn trận. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực hành không phải là điều đơn giản, họ có thể biết đến rất nhiều phương pháp, có trong tay khá nhiều tài liệu nhưng rồi họ sẽ không biết bắt đầu từ đâu hoặc không đủ kiên trì để áp dụng một cách từ từ, từng bước một, mà chỉ muốn nhanh chừng nào, tốt chừng ấy để cho họ mau mau thoát khỏi cái "án chung thân" này !

Một điều nữa, họ ít có được cái nhìn chính xác, hay khách quan về tình trạng con mình, một là họ sẽ cho con họ là quá tệ, không thể làm được gì, hai là họ sẽ cho rằng con họ đã làm được nhiều cái, nó cũng thông minh lắm chứ, nó biết cái này, biết cái kia... chỉ hơi kỳ cục thôi ! Chính sự đánh giá một cách chủ quan về tình trạng con họ sẽ khiến cho họ khó có thể áp dụng một cách phù hợp những biện pháp chăm sóc giáo dục cần thiết. Một là họ sẽ cho, đó là điều quá khó với trẻ hai là điều này thì con đã biết làm từ khuya rồi !

Chính những điều phức tạp và khó khăn như vậy, đã tạo nên một "thị trường" cho những người có khả năng kinh doanh, mà sản phẩm của họ chính là những kinh nghiệm của bản thân, những kiến thức mà họ có được. Điều này là một sự hợp lý,đặc biệt là trong trường hợp, họ cũng là bố mẹ của những trẻ Tự Kỷ, một bằng chứng sống và hết sức thuyết phục là tình trạng của con họ. Sau nhiều nỗ lực, trẻ đã có những tiến bộ đáng kể và đó là cái mà họ muốn chia sẻ. Đây sẽ là một điều rất đáng khuyến khích, vì những câu lạc bộ, những hội Cha mẹ trẻ Tự Kỷ và những forum trên internet sẽ là nơi giúp cho những bậc cha mẹ chia sẻ và nhận lãnh những kinh nghiệm từ những ông bố, bà mẹ khác. Nhưng đây sẽ là điều đáng trách, nếu họ biến nó thành một món hàng phải mua với một giá "trên trời" . Là cha mẹ, họ rất hiểu tâm lý của những người làm cha mẹ, là sẵn sàng hy sinh tất cả vì con, nhất là nếu những bậc cha mẹ đó có thu nhập cao.
Tuy nhiên, khi đã là một sản phẩm thương mại thì đó là việc "thuận mua vừa bán" tôi bán giá cao như vậy, vì sản phẩm của tôi là thứ xịn , chỉ có đồ dỏm mới có giá rẻ hay cho không. Ai thích thì mua, không thì thôi tôi đâu có ép ! Còn nếu mua về mà xài không được là tại họ, chứ đâu phải tại tôi ! Họ không biết cách xài đó thôi - Con tôi chính là một kết quả sống động, không thấy sao !

Nhưng có điều, họ và nhiều người quên rằng (có thể cố ý hay vô tình), nhiều phụ huynh và cả một số các nhà chuyên môn cũng quên rằng, Tự Kỷ là một hội chứng đa dạng, phức tạp và mang tính chất hoàn toàn cá nhân, không có một trẻ Tự kỷ nào giống một trẻ Tự Kỷ nào ! Họ chăm sóc cho con họ có hiệu quả, trước tiên, vì họ là một người mẹ, hiểu rõ những thái độ và phản ứng của trẻ, nhưng cái hiệu quả nhất là họ biết tự điều chỉnh, gia giảm, và kiên trì trong một thời gian dài. Trong khi đó, thì với những trẻ khác, kinh nghiệm mà học có được chỉ có thể giúp ích cho các người đó trên phương diện tham khảo. Nếu áp dụng nguyên mẫu, thì kết quả rất ít sẽ là điều tất yếu.
Ở đây, yếu tố vật chất cũng góp phần quan trọng trong sự thành công, khi mà có những cha mẹ chỉ "chiến đấu" đơn độc với con mình, còn có những người khác thì có cả một nhóm người xung quanh, sẵn sàng làm theo ý kiến của mình. Sự điều trị theo nhóm, có nghĩa là nhiều người, nhiều kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cùng xoay quanh đứa trẻ để chăm sóc, giáo dục cũng là một yếu tố quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong việc đem đến hiệu quả cho việc trị liệu.

Cuối cùng, thật là một điều đáng buồn khi chính việc phong phú về phương diện truyền thông đôi khi là một con dao hai lưỡi, khi những phóng viên, người biên tập tung ra những thông tin mà thiếu sự kiểm chứng về mặt khoa học, họ chỉ dùng những lời lẽ hùng hồn và cảm động đầy cảm tính, để cung cấp cho người đọc những thông tin không chính xác, không có sự tham khảo với các nhà chuyên môn. Điều này, một là sự vô trách nhiệm về những gì mình viết ra, hay có thể là sự hạn hẹp về kiến thức mà mình không muốn bồi dưỡng, hai là một hoạt động quảng cáo tiếp thị một cách khéo léo, mà người phóng viên được thuê để viết ra theo ý những nhà kinh doanh mà thôi.
Chúng ta đã từng bị những sản phẩm kinh doanh, chỉ nói ra một nửa sự thật mê hoặc vì những chiến dịch tiếp thị khôn ngoan , thì một lần nữa việc Giáo dục Trẻ Tự Kỷ cũng đang đứng trước nguy cơ như vậy, khi mà kinh nghiệm bản thân được biến thành một sản phẩm phổ thông, thích ứng cho mọi người với một giá không thể đắt hơn, với sự tiếp tay một cách vô tội vạ của những phương tiện truyền thông, mà quên đi cái giá phải trả, đó là sự mất đi niềm tin của nhữn bậc cha mẹ đang ngày đêm khốn khổ về đưá con thân yêu của mình.

Thực sự đó là một việc lạm dụng trên tình thương và nỗi đau của lòng mẹ, mà đau hơn nữa là cũng do chính một trong những người mẹ tiến hành một cách khôn ngoan và có hệ thống !

ÔNG LỚN VÀ THẢO DÂN

1000 VNĐ: Gõ cửa… - Thưa cụ…

1 tỉ VNĐ: Không nhìn lên – Hả, đứa nào đấy?

1000 VNĐ: - Dạ! Con là cháu chắt của cụ đây ạ, con xin cụ bớt chút thời gian…

1 tỉ VNĐ: - Cháu chắt như mày ta nhiều lắm, cả đời đếm không hết. Nhưng mày cũng có chút hơi hướng của ta. Thôi nào… cái gì?

1000 VNĐ: - Không phải là “cái gì” đâu ạ. Mà là việc người ta cứ vò nát con để trong túi quần. Người ta hẩy tay không thèm nhận con khi con đã được các cô tiếp viên nâng trên tay trao lại cho họ. Có kẻ còn đốt con.

1 tỉ VNĐ: Ý mày nói “người ta” là ai? Là ta? Thực ra đó có thể là một số người đã có ta hiện hữu mọi nơi trong cuộc sống của họ.

1000 VNĐ: - Thưa cụ, với những người như thế, thậm chí con còn bị xem như không phải là một con số. Con muốn nói những người mà vài đứa như con cũng là một sự đáng kể đối với họ. Họ còn nói con là “có 1000 bọ mà cũng đòi”…

1 tỉ VNĐ: - Ta không thật biết cái cảm giác ấy của mày ra sao con ạ. Đôi khi xã hội cũng bảo người như ta vô cảm. (Thở dài). Ta lớn lên cũng từ bé như mày, nhưng đến lúc này ta không phải là tiền, không phải là con số mà là một tầm, một mục tiêu, một ý tưởng. Ta là một giá trị được bàn đến trên các bàn nghị sự còn mày dường như ta hiểu đó là sự trăn trở của những kẻ khốn khó. Ta không có bổn phận phải chia nhỏ để hiểu hay nâng đỡ mày. Ta kiến tạo những cái lớn không có mày trong đó cho dù có vẻ có sự góp mặt của mày. Mày chỉ được lướt qua 1/10 giây trên máy đếm, còn ta ngự ở sự suy tư hay niềm hân hoan của nhiều người quan trọng.

1000 VNĐ: - Cụ ơi. Con biết con rất nhỏ, nhưng xử sự với con như thế thì không còn là nhỏ nữa. Vấn đề lớn chỉ các cụ lớn mới hiểu, chỉ các cụ mới sinh ra hay giải tỏa được những điều lớn như thế mà thôi. Các cụ đã gây ảnh hưởng như thế nào mà họ lại coi thường chúng con đến thế? Nhưng mà làm sao mà các cụ lại bị liên quan nhiều đến các vụ án đến thế? Chúng con cũng thấy lo lắm.

1 tỉ VNĐ: - Đã bảo ta là lợi ích, là toan tính, là đấu tranh. Còn mày chưa vượt qua được cái nghĩa “chỉ là thêm nếm”. Thậm chí bị vo lại cả cục cho thuận tiện. Chúng mày thường bị bỏ qua trong các việc đại sự. Có thể ta hay bị liên quan đến vụ án, còn chúng bay lại song hành với tệ nạn. Điều ấy làm ta buồn, vì đáng lẽ ta hay mày phải đem lại sự giàu có hạnh phúc cho xã hội cơ mà. Mà phải, ta thừa nhận rằng có biết thương quý, đối xử với chúng bay tốt thì ta mới trở thành sự thành đạt, hạnh phúc của người sở hữu ta. Được rồi, để ta mở trường dạy cho người ta rằng: Chúng bay là sự bắt đầu tốt để hiểu được cái giá trị của ta. Bỏ qua hay coi thường chúng bay người ta sẽ không thể có ta được hoặc ta chỉ trở thành sự ám ảnh của họ mà thôi.
Thôi, thời gian của ta là sinh sôi, của mày là gì nhỉ? Chà, ta chưa gọi tên ra được, có nghĩa chính ta chưa hiểu chúng bay.


1000 VNĐ: - Dạ, con lạy cụ, xin phép được cáo từ ạ, mấy đứa con đi ra chợ quê mua rau đây ạ, đó là nơi của chúng con, thích lắm cụ ạ.

1 tỉ VNĐ: - Thế à, nhân tiện chúng bay mua cho ta điếu ba số nhé. Và đừng có mua xổ số đấy, hãy mua cuốn vở về mà chép những điều ta vừa nói.